Tình hình nuôi cá hồi thời gian đầu ở các tỉnh như Lâm Đồng, Lào Cai, Sapa… rất phát triển, tuy nhiên thời gian gần đây nghề nuôi có dấu hiệu chững lại do tình hình dịch bệnh xảy ra, đặc biệt là bệnh xuất huyết gây ảnh hưởng nhiều đến người nuôi.
Nghiên cứu được tiến hành để phân lập và định danh vi khuẩn gây bệnh xuất huyết trên cá hồi tại Lâm Đồng. Thu 60 mẫu cá có dấu hiệu bệnh lý như lở loét, xuất huyết để phân lập và định danh vi khuẩn. Sau đó cảm nhiễm và ghi lại dấu hiệu bệnh lí và theo dõi tỉ lệ chết.
Dấu hiệu bệnh lí
Cá bị bệnh có triệu chứng kém ăn, sau đó bỏ ăn, bơi chậm trên tầng mặt, màu da sẫm đen hơn cá khỏe. Trên thân cá có vết loét nhỏ hoặc lớn, không có hình dạng nhất định, ăn sâu vào thịt cá, để lộ cơ ra ngoài. Thường xuất huyết tại gốc vây, trên thân, dọc theo đường bên, cá chết rải rác.
Giải phẫu những cá bị bệnh lở loét điển hình, quan sát bên trong, thường thấy gan bầm, hoặc xuất huyết, nội tạng cũng xuất huyết, lá lách đen thẫm, xoang bụng có tích dịch màu vàng. Nếu cá bị bệnh nặng, gan thường nhão ra. Dạ dày và ruột có ít hoặc không có thức ăn. Hậu môn sưng to hoặc xuất huyết. Các cơ quan mềm nhão, hệ thống cơ trong xoang bụng không chặt chẽ.
Kết quả phân lập được 08 loài vi khuẩn từ các mẫu cá hồi bị xuất huyết bao gồm Aeromonas hydrophyla, Burkholderia cepacia, Edwardsiella tarda, Escherichia vulneri, E. hermanii, Klebsiella pneumoniae, Proteus vulgaris, Stenotrophomonas maltophilia. Trong đó, A. Hydrophila và B. Cepacia có tỷ lệ bắt gặp lần lượt là 79,3% và 41,4%; E. Tarda và P. Vulgaris có tỷ lệ bắt gặp chung là 22,4%; E. Vulneris và K. Pneumoniae có tỷ lệ bắt gặp bằng 15,5%; S. Maltophilia và E. Hermanii chỉ được phát hiện ở 3,4% số mẫu (2/58).
Kết quả cho thấy cá bị A. Hydrophila chiếm tỷ lệ cao nhất. Nghiên cứu của Nematollahi et al. (2003) cho thấy có thể bắt gặp A. hydrophila trên cá hồi vân quanh năm, lúc mùa đông có nhiệt độ thấp (7,7 ± 1,4ºC), khi mùa hè với nhiệt độ cao (17,6 ± 4,6ºC). Kayis và cộng sự (2009) thông báo bắt gặp B. Cepacia và S. Maltophila trên các mẫu cá hồi vân thu từ 32 trang trại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, B. Cepacia hiện diện ở da, gan, thận và lá lách cá hồi vân trong cả mùa xuân lẫn mùa hè.
Cảm nhiễm với vi khuẩn A. Hydrophila và B. Cepacia ở các nồng độ 103, 105, 107 cfu/ml. Đối với vi khuẩn A. Hydrophila cá ở nồng độ 105 cfu/ml, cá chết rải rác, đến ngày cuối cùng tỷ lệ chết tích lũy là 55%. Ở nồng độ 107 cfu/ml, cá chết nhanh, nội quan xuất huyết, cơ nhão, dù bên ngoài chưa có vết loét, tỷ lệ tử vong tích lũy đạt tới 100%, sau 6 ngày.
Cá có những biểu hiện bất thường, dấu hiệu đầu tiên là cá kém ăn, bỏ ăn, nổi lờ đờ, bơi sát thành bể. Ở vết tiêm có dấu hiệu xuất huyết dưới da, sau đó loét ra, ăn sâu vào cơ, loang thành lỗ lớn, hậu môn cá bị sưng to và có dấu hiệu bị viêm, cá yếu dần. Trong khi cá cảm nhiễm với vi khuẩn B. Cepacia sau khi tiêm, cá vẫn bơi lội bình thường. Thời gian phát bệnh đầu tiên ở 2 nghiệm thức tiêm 105 và 107 CFU/ml lần lượt tương ứng là 48 giờ và 32 giờ.
Cá cũng có những biểu hiện bất thường như kém ăn, bỏ ăn, nổi lờ đờ, bơi sát thành bể. Tuy nhiên, biểu hiện không giống như ở thí nghiệm tiêm A. hydrophila, cá bị mất màu ở vị trí vết tiêm và tại đó cấu trúc cơ nhão, hậu môn sưng to, nhưng không thấy xuất huyết. Do đó có thể kết luận bệnh xuất huyết trên cá hồi là do vi khuẩn A. Hydrophila gây ra.