Nguyên tắc phối hợp kháng sinh trong chăn nuôi thú y, thuỷ sản

Nguyên tắt chung khi sử dụng kháng sinh:

–  Chỉ sử dụng kháng sinh khi thật sự bị bệnh nhiễm khuẩn. Trong trường hợp sử dụng kháng sinh để phòng bệnh, bà con cần sử dụng đúng liều phòng mà nhà sản xuất tư vấn để tránh dẫn đến tình trạng lờn kháng sinh sau này.
–  Phải chọn đúng loại kháng sinh phù hợp. Việc lựa chọn kháng sinh dựa vào kháng sinh đồ, trong trường hợp cấp bách hoặc trong khi chờ đợi kết quả kháng sinh đồ có thể dựa vào kinh nghiệm.
–  Phải dùng kháng sinh đúng liều đúng cách. Phải dùng kháng sinh đủ thời gian. Tùy theo loại bệnh và tình trạng bệnh mà thời gian dùng kháng sinh có khi dài khi ngắn nhưng thông thường là từ 3 đến 5 ngày.
–  Chỉ phối hợp nhiều loại kháng sinh khi thật cần thiết.

 

Kháng sinh được sắp xếp thành 2 nhóm:

–  Nhóm kìm khuẩn còn được gọi là trụ khuẩn (bacteriostatic) là kháng sinh chỉ ức chế sự phát triển của vi khuẩn chứ không tiêu diệt.
–  Nhóm diệt khuẩn (bactericidal) là kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn.

Chỉ dùng kháng sinh kìm khuẩn trong trường hợp cơ thể còn sức đề kháng, vì thuốc chỉ làm vi khuẩn ngưng phát triển, yếu đi và hệ thống đề kháng của cơ thể sẽ làm nhiệm vụ tiêu diệt chúng. Nếu bị nhiễm khuẩn nặng, cơ thể bị suy yếu, bắt buộc phải dùng kháng sinh diệt khuẩn.

 

biểu đồ phối hợp kháng sinh trong chăn nuôi thú y thủy sản

Biểu đồ phối hợp kháng sinh trong chăn nuôi thú y và thủy sản

 

 

Một số loại kháng sinh tiêu biểu trong các NHÓM KHÁNG SINH:

Kháng sinh diệt khuẩn:

1. Nhóm β-lactam: Penicillin; Ampicillin; Amoxicillin; các Cephalosporin như Cefotaxim, Cefubentaxim, Ceftiofur

2. Nhóm Aminoglycosides: Treptomycin; Kanamycin; Gentamycin

3. Nhóm polypeptides: Colistin

4. Nhóm Quinolones: Norfloxacin; Enrofloxacin, Ciprofoxacine, Levofloxacine

Kháng sinh kìm khuẩn:

5. Nhóm Macrolides: Tylosin; Spiramycin; Rifampicin, Erythromycine, Azithromycine

6. Nhóm Pleuromutilins: Tiamulin

7. Nhóm Lincosamides: Lincomycin

8. Nhóm Tetracyclines: Oxytetracycline, Doxycylline; Chlotetracyclin

9. Nhóm Phenicol: Chloramphenicol; Thiamfenicol; Flofenicol, Tullaphenicol

10. Nhóm Sulfonamides: Sulfaguanidin, Sulfadiazine, Sulfamethoxazone Base,Sulfadimidine, Trimethoprim

 

Nguyên tắc phối hợp kháng sinh:

•    Hai kháng sinh phối hợp nên cùng nhóm tác dụng, hoặc cùng có tác dụng kìm khuẩn hoặc cùng có tác dụng diệt khuẩn.

•    Phối hợp hai kháng sinh cùng tác dụng diệt khuẩn tạo ra tác dụng tăng cường.

•    Phối hợp hai kháng sinh cùng tác dụng kiềm khuẩn tạo ra tác dụng cộng gộp

•    Phối hợp kháng sinh thuộc 2 nhóm tác dụng khác nhau (kìm khuẩn với diệt khuẩn và ngược lại) sẽ tạo ra sự đối kháng.

•    Dung môi hòa tan, tá dược phù hợp,… sẽ giúp việc sử dụng kháng sinh được hiệu quả hơn.

 

Nguyên nhân sử dụng Kháng sinh không hiệu quả:

•    Chẩn đoán bệnh sai.

•    Sử dụng thuốc không đúng hướng dẫn (liều lượng, liệu trình,…)

•    Có phụ nhiễm thêm (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng,…)

•    Thuốc không có khả năng vào chỗ nhiễm bệnh (nơi ít mạch máu…)

•    Chưa đủ thời gian để thấy tác dụng của thuốc.

•    Chưa áp dụng biện pháp điều trị tổng hợp:
+  Điều trị nguyên nhân.
+  Điều trị triệu chứng.
+  Điều trị hỗ trợ.

 

Một số ví dụ phối hợp kháng sinh thường gặp:

•    Nhiều người nuôi vẫn đang phối hợp Kháng sinh diệt khuẩn Cefotaxim với kháng sinh diệt khuẩn Gentamycine để phòng trị bệnh phân trắng trên tôm. Bà con lưu ý là ngoài Gentamycine, chúng ta vẫn có thể phối Cefotaxim với Streptomycine để phòng trị bệnh đường ruột cho tôm cũng rất hiệu quả.

•   Có thể sử dụng kết hợp Doxycilline và Florphenicol để trị phân trắng, trống ruột, gan thận mủ, xuất huyết vây, ruột.
Hợp lực của 2 loại kháng sinh Doxycilline và Florphenicol mở phổ hoạt động và tăng dược lực lên đáng kể, giúp diệt khuẩn đã kháng Cefotaxime điển hình như khuẩn Vibrio Harveyi và Vibrio Parahaemolyticus gây teo gan, vàng gan, rớt đáy trên tôm thẻ.