KHÁNG SINH NHÓM TETRACYCLINE
– Đây là nhóm kháng sinh được dùng phổ biến từ rất lâu do phổ kháng khuẩn rộng và những ưu điểm về dược động học. Kháng sinh này có khuynh hướng được dùng như kháng sinh hàng đầu trong điều trị bệnh cho bò, heo và một số chỉ định đặc biệt cho chó, mèo.
– Tuy nhiên, sự tràn lan các chủng vi khuẩn đề kháng thu nhận với Tetracycline đang giới hạn việc sử dụng các kháng sinh này trong lâm sàng.
– Kháng sinh nhóm này hoạt động tốt ở pH 6-6,5, nhưng không bền ở pH >7.
– Các Tetracycline hấp thu được qua đường tiêu hóa, việc hấp thu giảm khi có sự hiện diện của thức ăn trong dạ dày, nhất là thức ăn có chứa Ca, Mg, Fe, Zn. Đường tiêm cho tác động nhanh chóng hơn, hấp thu tối đa sau 5 giờ, tồn tại lâu trong cơ thể vì bị hấp thu và dự trữ trong tế bào lưới nội mô của gan, xương sườn, lá lách, gắn chặt vào xương và men răng.
– Kháng sinh Nhóm Tetracyline dễ dàng ngấm qua nhau thai, nồng độ trong máu bào thai tương đương nồng độ thuốc trong máu mẹ. Do tính chất hấp thu quyến rũ các ion kim loại thường gọi là ái lực làm cho nhóm Tetracyclin nói chung thu hút ion Ca, Mg, Fe…. Làm cho hệ xương, răng của các thú non đang trong lúc phát triển bị thiếu hụt, gây chậm phát triển, thú mẹ thiếu canxi, hoặc thuốc gắn vào xương răng làm đổi màu xương răng. Vậy nên không dùng cho thú mang thai.
– Kháng sinh nhóm Tetracycline không dùng cho heo con vì tranh chấp kết hợp với các ion Magie, Canxi. Làm heo con không có khoáng để phát triển, lại diệt hết các tạp khuẩn đường ruột làm hỏng hệ tiêu hóa ( Chính vì diệt tạp khuẩn đường ruột mà đôi khi Tetracyclin trị tiêu chảy heo con rất nhạy. Nhưng lợi 1 thì hại 2; nên phải dùng kháng sinh nhóm khác).
– Phân bố: các Tetracycline phân bố đồng đều bên trong và bên ngoài tế bào. Có khả năng phân tán tốt đến các mô trong cơ thể như phổi, màng phổi, tim, gan, thận, lách, mắt, nước bọt. Qua được nhau thai. Kháng sinh nhóm này tích lũy ở xương và răng
Hoạt tính dược lực: Tác dụng kìm khuẩn, trên Gram dương (+), Gram âm (-), kị khí, khuẩn không điển hình Mycoplasma
1, Doxycycline
– Là 1 kháng sinh điển hình thuộc nhóm Tetracyclin.
– Cấu trúc của Doxycycline có khả năng tan tốt trong lipid, nhờ vậy mà nó hấp thụ tốt qua đường tiêu hóa (hấp thu 100% qua đường tiêu hóa) và đi xuyên qua màng tế bào Vi khuẩn nhanh nhất và dễ dàng nhất trong nhóm Tetracycline. Khác biệt hơn hẳn các kháng sinh khác trong nhóm Tetracyclin.
– Doxycycline phân bố ở phổi, lách với nồng độ cao hơn nồng độ diệt khuẩn 3 lần.
– Doxycycline có nồng độ cao ở khắp các dịch cơ thể bao gồm dịch não tủy (chỉ Doxycycline), dịch sữa, tinh dịch, bào thai, tử cung, tiền liệt.
Chuyển hóa: Doxycycline được chuyển hóa ở gan.
Thải trừ: Bài thải qua phân 40% (mật), nước tiểu 60%
– Sự thải của Doxycycline không ảnh hưởng đến hoạt động bài tiết của thận nên an toàn để trị nhiễm trùng hệ thống (nhiễm trùng ngoài thận) cho thú suy thận.
– Chu kỳ một pha: Doxycycline chỉ đi được 1 vòng duy nhất, hấp thụ theo cơ chế vào máu đi hết các cơ quan rồi về đến gan là hết, phân hủy tại gan, theo mật xuống ruột qua phân và không thải trừ ở dạng còn dược tính để vào được ống tiêu hóa để diệt khuẩn hệ tiêu hóa hay vào thận để diện khuẩn ở thận hệ tiết niệu. Do đó thải trừ chậm và không gây độc lên thận, không diệt hệ vi khuẩn đường ruột.
– Doxycycline có thể sử dụng dạng uống (thuốc bột, viên) nhưng không dùng cho loài nhai lại vì sẽ ảnh hưởng hệ vi sinh vật dạ cỏ.
– Nhạy cảm đặc biệt với các khuẩn không điển hình: là những khuẩn mà cấu tạo tế bào của nó nhỏ nhất trong các loại vi khuẩn gọi là siêu vi khuẩn, cấu tạo cơ thể giống như ở dạng nửa vi khuẩn nửa virus. Cụ thể là các loài Mycoplasma (suyễn lợn); Ricketasia; Chlamydia (gây viêm nhiễm ở nái, nọc)
* Chỉ định:
– Doxycycline rất nhạy cảm với khuẩn không điển hình và khuếch tán cực kỳ tốt vào phổi nên được sử dụng điều trị các bệnh về hô hấp là ho suyễn do Mycoplasma
– Cơ chế thẩm thấu đặc biệt của Doxycycline giúp nó diệt các loại siêu vi khuẩn tồn tại ở hệ sinh dục heo gây bệnh mà nhiều loại kháng sinh mạnh khác không tác dụng tới được. Những vấn đề về hệ sinh dục heo nái mà không phải nguyên nhân thường thấy thì cân nhắc sử dụng Doxycycline.
– Doxycycline có thể dùng trị nhiễm trùng ở tuyến prostate.
– Doxycycline cũng như các kháng sinh khác trong nhóm Tetracycline là không nên sử dụng đơn độc mà nên kết hợp với 1 kháng sinh nhóm khác tăng hiệu lực và chống nhờn.
+ Kết hợp Doxycycline + Florfenicol hoặc Doxycycline + Thiamphenicol tỉ lệ 1:1 diệt Mycoplasma.
+ Doxycycline + Gentamicin hoặc Streptomycin tỉ lệ 2:1 trị nhiễm khuẩn: xảy thai do Brucella; Lợn nghệ; Sốt đỏ, cúm heo; Ký sinh trùng đường máu.
– Doxycycline tránh dùng cho ngựa do tác dụng làm rối loạn tiêu hóa tại manh tràng.
2. Oxytetracyclin – Cơ chế kiềm khuẩn, diệt khuẩn.
– Oxytetracyclin là 1 kháng sinh quan trọng và được sử dụng rộng rãi nhất trong thú y những năm 80, 90 nhưng càng về sau này thì càng giảm do bị kháng thuốc và con người tìm ra những kháng sinh thuộc phân nhóm Cephalosporin có nhiều ưu điểm hơn.
– Là kháng sinh bền thường có màu vàng đẹp mắt nếu ở dạng dự trữ khô, nếu hòa trong dung dịch phải có chất đệm tính kiềm nếu không sẽ hư hại sau 24 giờ, có thể chịu được môi trường axit trong thời gian có hạn. Điều này có ý nghĩa quan trọng nếu sử dụng đường uống Oxytetracyclin sẽ vượt qua môi trường axit của dạ dày để đến ruột và được hấp thu vào máu.
– Đường cấp thuốc và sự hấp thu: Nếu dùng đường uống hấp thu 60-80%. Càng đói thì càng hấp thu được nhiều và bớt hại đi.
– Hấp thu qua đường tiêm nhanh hơn đường uống. Oxytetracycline đạt nồng độ tối đa sau 30 phút tiêm bắp. Tối đa sau 4 giờ thuốc sẽ đạt nồng độ hiệu dụng trong máu. Nếu tiêm bắp thì thời gian hiệu dụng lâu nhất.
– Oxytetracyclin gây ức chế nhu động ruột, ức chế tiêu hóa hấp thu các axit amin ở đường tiêu hóa.
– Phân tán và bài thải: Oxytetracyclin nếu tiêm thì phân tán nhanh và đạt nồng độ trị liệu vào hầu hết các mô và thân dịch. Thấm qua màng não dễ dàng nhưng chỉ khi màng não bị viêm thì thuốc mới đạt nồng độ trị liệu.
– Nhạy cảm với khuẩn không điển hình gây bệnh ở phổi (Mycoplasma) nhưng phân tán kém nhất vào phổi do đó hiệu quả điều trị không thực sự tốt. Nếu bệnh phổi cấp tính không dùng được, dùng phòng thì tốt.
– Khuếch tán vào tuyến vú được nhưng không đạt được nồng độ điều trị, điều trị viêm vú thì phải tiêm trực tiếp vào vú sẽ cho hiệu quả cao hơn.
– Sự bài thải: Qua mật, ruột, thận. Nồng độ thuốc trong mật cao gấp 10 lần nồng độ thuốc trong máu, nên những bệnh nhiễm khuẩn ở gan sẽ ưu tiên sử dụng Oxytetracyclin; mật và ruột non thuốc đạt nồng độ cao nhất nên có tác dụng diệt khuẩn ở 2 khu vực này. Một phần thuốc ở mật đổ xuống ruột lại được hấp thu qua thành ruột vào máu, tiếp tục chu trình do đó Oxytetrayclin tồn tại lâu trong cơ thể, điều này có ý nghĩa tốt.
Cơ chế tác dụng của Oxytetracyclin:
– Là một kháng sinh kiềm khuẩn ở nồng độ thấp và diệt khuẩn ở nồng độ cao.
– Cơ chế tác động của nó gần giống với nhóm Aminosid tức là tác động vào các bộ máy Riboxom làm cho vi khuẩn không tổng hợp được Protein – nguyên liệu của sự phát triển. Với tính chất thích thu hút các ion kim loại, khi vào tế bào vi khuẩn nó cũng thu hút hết cả ion kim loại của vi khuẩn. Nếu nồng độ càng cao thu hút ion kim loại nhiều, vừa làm cho Riboxom vi khuẩn không tổng hợp được Protein để nhân lên, không nhân lên được đồng nghĩa phải dừng lại – Kiềm khuẩn. Vừa thu hút ion kim loại làm rối loạn tổ chức. Dừng lại và rối loạn dẫn tới chết – Diệt Khuẩn.
– Ví dụ: Cả một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đang hoạt động bình thường bỗng dưng ông Oxytetracyclin vào đánh phá phòng nguyên liệu. Không có nguyên liệu nhập vào Công ty sẽ từ từ dừng sản xuất. Oxytetracyclin đồng thời đánh cả công nhân. Không có nguyên liệu, không có công nhân mà thị trường thì cạnh tranh gay gắt => Vỡ công ty.
Phổ kháng khuẩn:
– Phổ kháng khuẩn rộng, tác động cả vi khuẩn Gram âm (-), Gram dương (+) và những khuẩn không điển hình.
– Đối với Gram dương (+) là: Liên cầu khuẩn; Tụ cầu khuẩn; Clostridium … tác động được nhưng hiện tại 40-50% số chủng đã nhờn và khả năng diệt các khuẩn đó thua Penicillin.
– Đối với Gram âm (-) tác dụng tốt với Phó thương hàn, Tụ huyết trùng, E.coli, cúm heo do vi khuẩn, các loại cúm đi kèm virus nhưng thua Colistin và nhóm Quinolon.
– Tác động cực kỳ tốt với các khuẩn không điển hình: các khuẩn họ Rickettsia; Chlamidia; Mycoplasma. Thường là các bệnh về nhiễm khuẩn ở mắt, nhiễm khuẩn đường tiết niệu sinh dục và sốt mò, ngã nước.
– Vi khuẩn nào nếu đã đề kháng với Oxytetracyclin thì cũng đề kháng với tất cả các kháng sinh khác của nhóm Tetracyclin.
– Kinh nghiệm: Oxytetracyclin nên dùng ở giai đoạn đầu của nhiễm khuẩn, nếu nhạy cảm sẽ khỏi rất nhanh, nếu không chuyển biến sau 2 ngày, tốt nhất nên chuyển kháng sinh nhóm khác chứ không được tăng liều lên.
* Chỉ định:
– Trên heo trị các bệnh viêm đường tiết niệu sinh dục; rất tốt đối với bệnh Lepto
– Oxytetracyclin trị bệnh cho gà còn tốt hơn cho lợn.
3. Chlotetracycline
– Là kháng sinh phổ kháng khuẩn rộng trên vi khuẩn Gram âm (-), Gram dương (+), Mycoplasma, Ricketsia, Chlamydia nhưng lại dễ bị kháng; 1 khuẩn đã kháng với bất kể 1 kháng sinh nào đó trong nhóm Tetracyclin thì đương nhiên kháng Chlotetracycline
– Chlotetracycline có khả năng ngấm vào hầu hết các mô và dịch cơ thể, khuếch tán tốt vào các tế bào các mô.
đây là 1 tính chất có giá trị của Chlotetracycline, bởi vậy nó mới có thể tác động vào các khuẩn Rickettsia, Chlamydia (vì khuẩn này thường ký sinh bắt buộc trong tế bào vật chủ).
– Khi dịch não tủy bị viêm Chlotetracycline có thể thấm qua, nếu không viêm thì không phân bố vào đây
– Chlotetracycline được hấp thu nhanh qua màng ruột nhưng hấp thụ không hoàn toàn do đó trong ruột vẫn còn tồn tại Chlotetracycline có dược lực trong đường ruột dễ gây rối loạn tiêu hóa làm Samonella phát triển quá mức.
– Chlotetracycline phân bố tốt vào tuyến sữa nên có thể qua sữa vào hệ tiêu hóa của heo con gây rối loạn hệ tiêu hóa heo con; hấp thu tốt vào phổi.
– Nồng độ Chlotetracycline trong gan mật, phổi và lách là cao nhất phân bố vào các cơ quan này nhanh và nồng độ cao hơn Oxytetracyclin.
– Chlotetracycline không được sử dụng tiêm bắp vì dễ gây kích ứng, thường dùng trong thuốc mỡ tra mắt.
– Chlotetracycline hấp thu 30% nếu sử dụng đường uống.
* Chỉ định
– Chlortetracyclin: để trộn thức ăn khi nghi ngờ thời điểm nào đó nổ các dịch về hô hấp.
4. Độc tính
– Do phổ kháng khuẩn rộng, việc sử dụng các Tetracycline có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy ở ngựa).
– Ở loài nhai lại, quá trình lên men tại dạ cỏ bị ảnh hưởng hoặc hoạt động của dạ tổ ong bị ngưng trệ bởi việc dùng Tetracycline .
– Bội nhiễm nấm mố, thiếu vitamin B, K cũng có thể xảy ra khi dùng thuốc lâu dài.
– Các Tetracycline có tác dụng phụ trên xương và răng do sự thành lập phức hợp Tetracycline – Clacium -orthophosphat với xương và răng. Chất này lắng đọng gây đổi gây đổi màu men răng, chậm phát triển răng.
– Sử dụng nhóm kháng sinh này ở liều cao hoặc kéo dài các Tetracycline có thể ảnh hưởng đến sự phát triển xương và chậm lành vết thương.
– Kháng sinh nhóm này có thể làm tổn thương da khi tiếp xúc ánh sáng (nổi mẩn, viêm da).
5. Phối hợp kháng sinh
– Những kháng sinh mà có tính kìm khuẩn ở liều thấp, diệt khuẩn ở liều cao thì thường không bao giờ dùng một mình mà phải phối hợp kháng sinh.
– Kháng sinh nhóm Tetracycline có thể hiệp đồng với Macrolide (tylosin), chloramphenicol, sulfonamide.