Tổng hợp 11 loại hoá chất diệt khuẩn, xử lý nước dùng trong Nuôi trồng Thuỷ sản

Hiệu quả của quá trình nuôi tôm cá sẽ phụ thuộc rất lớn vào môi trường nuôi. Khi nước nuôi nhiễm khuẩn cao, chất hữu cơ nhiều, tôm cá stress, mầm bệnh rất dễ dàng xâm nhập gây bệnh. Do đó, để cải tạo môi trường, diệt khuẩntrước, trong và sau vụ nuôi công tác không thể thiếu để mang lại sự thành công cho một vụ nuôi. Dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu một số hoá chất diệt khuẩn phổ biến đang được sử dụng hiện nay

Tổng hợp các loại thuốc diệt khuẩn, xử lý nước dùng trong Nuôi trồng Thuỷ sản
Tổng hợp các loại thuốc diệt khuẩn, xử lý nước dùng trong Nuôi trồng Thuỷ sản
  1. BKC 

BKC (Benzalkonium chloride) là một muối amoni hữu cơ đã được đưa vào sử dụng từ rất lâu trong thủy sản, rất dễ dàng đi vào và phá hủy màng tế bào, ngưng trệ các quá trình trao đổi chất của vi khuẩn. Bên cạnh đó còn có khả năng tiêu diệt các loại vi sinh vật đơn bào, virus, nấm mốc và khống chế sự phát triển của tảo.

BKC diệt khuẩn ao nuôi thuỷ sản
BKC diệt khuẩn, xử lý nước ao nuôi thuỷ sản

Hoạt tính của BKC sẽ tăng khi nhiệt độ tăng cũng như thời gian tiếp xúc của BKC với sinh vật dài. Về cơ bản mức độ diệt khuẩn của BKC sẽ không bị ảnh hưởng khi pH tăng. Nhưng khi độ đục và độ cứng của nước cao sẽ làm giảm tác dụng của BKC. Nếu dùng chung với các chất hữu cơ như xà phòng, chất tẩy rửa bề mặt, hoạt tính của BKC sẽ giảm hoặc không có tác dụng.

BKC có tính ổn định và an toàn cao, có tác dụng thẩm thấu tốt, tăng cường tính diệt khuẩn, tiêu độc, mang lại hiệu quả nhanh chóng. BKC được dùng rộng rãi trong việc khử trùng ao, bể và dụng cụ từ các trại sản xuất giống đến ao nuôi thương phẩm. Chưa có bằng chứng về việc BKC làm ảnh hưởng đến tôm cá hay tích lũy sinh học và tồn lưu trong môi trường. BKC 80 với hiệu quả kiểm soát vi khuẩn cao có thể dùng diệt khuẩn với nhiều mục đích khác nhau.

Cách sử dụng:

  • Sát trùng lúc chuẩn bị ao: 1 lít/1500m3
  • Sát trùng định kỳ : 1lit/ 2500m3, 2 tuần xử lý 1 lần

Hạn chế khi sử dụng BKC:

  • Gây khó chịu cho người sử dụng: mùi nồng, cay mắt – nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp . phải có đồ bảo hộ như bao tay, khẩu trang, mắt kính,…khi sử dụng.
  • BKC sử dụng quá liều dễ gây tồn dư trong tôm và làm giảm giá trị , bị thương lái ép giá khi thu mua . Vì vậy trước khi thu hoạch cần ngưng sử dụng BKC 30 ngày.

Lưu ý khi sử dụng BKC:

  • Không sử dụng trực tiếp mà phải pha loãng BKC rồi tạt đều thuốc lên bề mặt ao
  • Nên dùng vào buổi trưa, nắng gắt để tăng hiệu quả của BKC.
  • Đeo bảo hộ lao động khi sử dụng: kính, bao tay, khẩu trang …
  • Giai đoạn mới thả tôm, tôm dưới 10 ngày không nên sử dụng BKC vì tôm giai đoạn này yếu dễ bị BKC giết chết.
  1. Iodin

Dạng Iodine được sử dụng phổ biến là PVP-Iodine là một hợp chất thuộc nhóm halogen, có tính oxy hóa mạnh, có khả năng diệt tốt vi khuẩn, virus, nấm và cả nguyên sinh động vật. PVP-Iodine còn có ưu điểm là hòa tan hoàn toàn trong nước. Do đó, hợp chất này được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản với hiệu quả cao, lâu dài, an toàn cho người sử dụng và cả tôm cá, cũng ít khi gây biến động đến môi trường nuôi.

Iodine diệt khuẩn, xử lý nước
Iodine diệt khuẩn, xử lý nước

Khi được đưa vào môi trường, Iodine tự do được phóng thích dần dần khỏi hợp chất PVP-Iodine, các iodine này sẽ thẩm thấu qua vách và màng tế bào vi sinh vật, sau đó sẽ phá hủy và tiêu diệt chúng. Việc phóng thích từ từ của Iodine làm cho tính sát trùng cao hơn. Vì không ảnh hưởng đến mô bào của cá tôm, nên sản phẩm Iodine PRODINE với thành phần là PVP-Iodine có tác dụng trực tiếp trên vật thể sống để khử và sát trùng bề mặt ngoài cơ thể tôm cùng với trứng của chúng. Khử trùng nước nuôi cũng như dụng cụ một cách triệt để.

Cách sử dụng PRO DINE:

  • Sát trùng bể ương, ao bạt: 2,5 mL/ 1 lít nước. Pha thuốc với nước sạch rồi tưới ướt bề mặt bể, để yên trong 30-60 phút, sau đó rửa thật sạch bằng nước thường.
  • Vệ sinh các dụng cụ: 2 mL/ 1 lít nước. Pha thuốc với nước sạch rồi ngâm các dụng cụ trong 20-30 phút, sau đó rửa sạch các dụng cụ bằng nước thường và để ở nơi khô ráo.
  • Sát trùng nguồn nước nuôi tôm: 2,5 mL/ m3 nước ao. Pha rồi tạt đều trên bề mặt ao nuôi.
  • Làm sạc nước – Sạch khuẩn trước khi thả giống. Dùng 1 lít tạt đều cho 2000– 3.000m3
  • Giải quyết bệnh mòn đuôi, đứt râu, đen mang, phồng mang, sưng mang, dập tắt bệnh phát sáng nhanh chóng. Dùng 1 lít tạt đều cho 4.000–6.000 m3.
  • Định kỳ phòng bệnh, tiêu diệt vi khuẩn, vi rút , nấm. Dùng 1 lít tạt đều cho 6.000 – 8.000 m3.

Cách sử dụng Iodine nguyên liệu dạng bột:

Cách pha:

Pha với nước ấm hoặc pha với cồn: 300g Iodine/ 1 lít cồn (rượu thường)

Liều dùng:

  • Xử lý đầu vụ: 1kg/1000m3
  • Xử lý nước: 300g-500g/1.000m3 với
  • Diệt khuẩn và trị bệnh: 100g-200g/1.000m3
  • Xử lý tảo: 500g/1000m3.

Lưu ý khi sử dụng các loại Iodine:

  • Đối với các loại Iodine nhiệt độ trên 35oC thuốc bị mất tác dụng nhanh chóng đồng thời ánh sáng mặt trời cũng làm thuốc bị phân hủy nhanh nên thường tạt vào chiều mát .
  • Các loại Iodine có khả năng diệt phiêu sinh vật, nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm nên cần chú ý liều lượng khi sử dụng
  • Các loại Iodine cũng có thể diệt tảo làm nước quá trong ảnh hưởng đến việc ăn mồi của tôm.
  • Bạn cũng cần chú ý đến khả năng diệt hết vi sinh vật có lợi trong nước và đáy ao, từ đó ức chế quá trình phân giải chất hữu cơ trong ao nuôi nên vì vậy sau khi diệt khuẩn từ 1-2 ngày cần cấy lại vi sinh cho ao bằng vi sinh EM-AQUA
  • Các loại Iodine cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm, sử dụng thường xuyên có thể gây chậm lớn giảm năng suất.
  1. Thuốc tím

Thuốc tím KMnO4 (permanganat Kali) là hóa chất không mùi, tan vô hạn trong nước, có màu tím ánh kim đặc trưng. Là chất oxy hóa mạnh, có thể oxy hóa cả chất hữu cơ lẫn vô cơ. Thuốc tím có thể diệt khuẩn, nấm, tảo với nồng độ khá thấp. Với nồng độ 2ml, thuốc tím có thể diệt được 99% vi khuẩn gram âm và phần lớn vi khuẩn gram dương. Cơ chế tác động của thuốc tím là ion permanganat sẽ oxy hóa các tế bào để tiêu diệt vi khuẩn, đồng thời phá hủy màng tế bào và ức chế hoạt động của các enzyme trong cơ thể vi khuẩn.

Cách sử dụng thuốc tím trong Nuôi trồng Thuỷ sản
Cách sử dụng thuốc tím trong Nuôi trồng Thuỷ sản

Thuốc tím cũng có khả năng làm giảm lượng chất hữu cơ trong ao nhưng không nhiều do đó cũng phần nào giảm lượng tiêu thụ oxy trong nước do các quá trình phân hủy sinh học. Ngoài ra thuốc tím cũng được dùng để loại bỏ một số chất vô cơ trong nước như H2S, sắt và một số mùi hôi có nguồn gốc hữu cơ trong ao. Một số bệnh trên cá cũng thường chữa trị bằng thuốc tím nhất là đối với ngoại ký sinh trùng bám.

Cách sử dụng thuốc tím trong Nuôi trồng Thuỷ sản
Cách sử dụng thuốc tím trong Nuôi trồng Thuỷ sản

Chỉ nên sử dụng thuốc tím ở đầu vụ và cuối vụ nuôi tôm. Do trong quá nuôi phản ứng của thuốc tím với nước sẽ tạo ra MnO2 gây độc với tôm và làm mất tảo trong ao nuôi, khó gây lại được. Trong ao chất hữu cơ quá nhiều cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động của thuốc tím, do nó sẽ phản ứng với chất hữu cơ và trở nên trung tính, không đủ độc lực để tiêu diệt mầm bệnh. Thuốc tím không bền với nhiệt độ cao nên phải sử dụng khi trời mát để bảo vệ hoạt lực của nó.

Tác dụng của thuốc tím trong thủy sản:

  • Thuốc tím ( KMnO4) có khả năng làm trong nước theo nguyên lý cần bằng điện tích, các hạt hạt phù sa, keo khoáng mang điện tích âm, Mn mang điện tích dương làm cho keo khoáng trở nên trung tính và lắng tụ.
  • Thuốc tím là chất oxy hóa mạnh nên có tính sát khuẩn, diệt vi khuẩn, tảo bằng cách oxy hóa trực tiếp lên màng tế bào phá hủy các enzyme đặc hiệu điều khiển quá trình trao đổi chất của tế bào. Nhưng vì phổ diệt khuẩn của thuốc tím hẹp nên vẫn cần dùng Chlorine vào giai đoạn xử lý nước.

Liều dùng:

 Trên thực tế hiện nay liều dùng thuốc tím cho xử lý nước trong các ao lắng thường là 3-5ppm ( 3-5kg cho 1000m3)

 Lưu ý khi sử dụng thuốc tím:

  • Thuốc tím chỉ nên xử lý trong ao lắng trong các mô hình nuôi thay nước để oxy hóa vật chất hữu cơ, diệt khuẩn trong nước.
  • Thuốc tím là chất oxy hóa mạnh, vì vậy khi bảo quản cần tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp và tránh nhiệt độ cao.
  • Thuốc tím sau khi pha phải được sử dụng ngay để tránh làm mất hoạt tính của thuốc.
  1. Chlorine

Chloride (Cl2, NaOCl, Ca(OCl)2) là một hợp chất vô cơ oxy hóa mạnh, màu trắng, dễ tan trong nước, khi tan sẽ giải phóng khí Clo nên có mùi hắc đặc trưng. Khi tiếp xúc với vi sinh vật chloride sẽ tác động vào hệ enzyme xúc tác các quá trình trao đổi chất của vi khuẩn, làm vi khuẩn không thể hoạt động và chết.

Chlorine loại 1, hàng chuẩn, trắng sáng, đều hạt
Chlorine loại 1, hàng chuẩn, trắng sáng, đều hạt

Trong thủy sản, Chloride thường được sử dụng để xử lý nước cấp, tẩy trùng ao, trang thiết bị, dụng cụ nuôi. Ngoài ra cũng diệt được vi khuẩn, tảo, các phiêu sinh động vật và ký sinh trùng, oxy hóa, dọn sạch các vật chất hữu cơ trong ao và các mầm bệnh ngoại lai xâm nhập.

Thị trường có nhiều loại Chlorine khác nhau ( Mỹ, Ấn, Trung, loại 1,2,3...)
Thị trường có nhiều loại Chlorine khác nhau ( Mỹ, Ấn, Trung, loại 1,2,3…)

Liều dùng:

– Sát khuẩn nước hồ bơi: dùng liều 3 ppm – 5 ppm tương đương 4,5 kg – 7,5 kg/1.000 m3 nước.

– Diệt khuẩn: Dùng liều 20 ppm – 25 ppm tương đương 30 kg – 37,5 kg/1.000 m3 nước ao nuôi.

– Diệt giáp xác vá cá tạp: Dùng liều 25 ppm – 30 ppm tương đương 37,5 kg – 45 kg/1.000 m3 nước ao nuôi.

– Để diệt cá tạp và các mầm bệnh trong môi trường trong nước một cách triệt để nên dùng liều 37,5 kg – 45 kg Chlorine cho 1000 m3 nước ao nuôi.

Lưu ý:

Chloride chỉ nên dùng để xử lý khi không có vật nuôi trong ao vì tính ăn mòn cao, gây hại khi tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi, nhất là ấu trùng. Lượng dư chloride sẽ oxy hóa và làm thương tổn tế bào mang cá, làm quá trình hô hấp của cá bị ngưng trệ, gây mất màu nước vì diệt tảo có lợi trong ao. Với dư lượng rất nhỏ cũng có thể gây độc cho người tiếp xúc. Được khuyến cáo là có thể sinh ra sản phẩm phụ có khả năng gây ung thư cho người.

Phổ diệt khuẩn của chloride rất rộng, do đó, các vi khuẩn có lợi trong ao cũng sẽ bị tiêu diệt, gây mất màu nước; bị giảm tác dụng khi sử dụng sau khi bón vôi. Dư lượng chloride có thể được trung hòa bằng Thiosulfat sodium (Na2S2O3.5H2O) với liều 7mg/1mg Chloride.

  1. TCCA

Đây là một hóa chất diệt khuẩn hữu cơ với tác dụng lâu dài, hiệu quả rất mạnh có khả năng tẩy trùng toàn bộ vi khuẩn, nguyên sinh động vật và các loại tảo độc trong ao. Ngoài ra có thể phân hủy chất thải của cá tôm và thức ăn thừa, làm tăng oxy hòa tan trong thủy vực, phân hủy nhanh chóng các mùi hôi thối do chất hữu cơ, kiểm soát và phòng trị dịch bệnh. Thành phần trong cấu trúc của TCCA cũng chứa clo, nên tác động của TCCA cũng giống như Chloride đối với vi khuẩn là làm vô hiệu hóa enzyme xúc tác quá trình trao đổi chất của vi sinh vật.

TCCA diệt khuẩn xử lý nước dùng trong Nuôi trồng Thuỷ sản
TCCA diệt khuẩn xử lý nước dùng trong Nuôi trồng Thuỷ sản

Hiêu lực tác dụng của TCCA đến 24h. Tuy nhiên khi pH quá cao, hoạt tính của TCCA sẽ giảm vì vậy nên dùng vào chiều tối khi pH thấp<7. Tuyệt đối không để gần hay sử dụng TCCA chung với các sản phẩm có tính kiềm, acid. Dùng Thiosulfat sodium để trung hòa dư lượng trước khi thả nuôi. Phải có bảo hộ lao động để không ảnh hưởng đến sức khỏe con người do khí Clo.

Công dụng của TCCA trong nuôi tôm:

  • Xử lý nước trong khi nuôi tôm, phòng và trị hiệu quả các tác nhân gây bệnh như: vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật.
  • Diệt khuẩn, nấm mốc, diệt vi khuẩnvirbio trị bệnh phát sáng.
  • Ngừa và xử lý các bệnh do vi khuẩn gây ra trên thân tôm: đứt râu mòn đuôi, đóng nhớt, vàng mang, đen mang,…kích thích tôm lột xác theo đúng chu kỳ.
  • Tiêu diệt các vi sinh vật, diệt tảo, rong rêu trong nước.

Cách dùng cho từng mục đích:

Xử lý đáy hồ trước khi nuôi:

Mục đích: diệt mầm bệnh dưới đáy ao nuôi của những vụ trước

  • Liều lượng (2-2,5ppm)  2kg-2,5kg/1000m3
  • Cách dùng: phơi ao hồ 3 ngày, hòa tan thuốc vào nước và phun đều ao hồ, sau 3-5 ngày cho nước vào và thả giống

Xử lý nước trước khi nuôi:

Mục đích: diệt khuẩn, mầm bệnh, các loại giáp xác và cá tạp trước khi nuôi

  • Liều lượng 13kg-16kg/1000m3nước (13ppm-16ppm) khi pH nhỏ hơn 7
  • Cách dùng: hòa tan thuốc vào nước và tạt đều khắp hồ sau 7 ngày thì bắt đầu thả giống

Mục đích: làm sạch, khử trùng ao hồ trước khi nuôi

  • Liều lượng: 0,5kg-1kg/1000m3nước (0,5ppm-1ppm)
  • Cách dùng: hòa tan thuốc vào nước và phun đều khắp hồ

Xử lý trong trại nuôi tôm giống: có 2 cách dùng

  • Mục đích:Tẩy trùng, diệt toàn bộ vi khuẩn, nguyên sinh động vật và các loại tảo độc…
    Liều lượng: 5g/1 lít nước
    Cách dùng: hòa tan thuốc vào nước và phun đều khắp hồ, xung quanh trại
  • Mục đích:tiệt trùng trong nguồn nước nuôi con giống
    Liều lượng: 0,4g/10m3 nước
    • Cách dùng: hòa tan thuốc vào nước sau đó sục khí 12 giờ trước khi sử dụng

Khử trùng dụng cụ nuôi:

1,5g – 2g với 10L nước, ngâm dụng cụ qua đêm

Lưu ý:

  • Để đạt hiệu quả sử dụng cao nhất nên sử dụng vào buổi chiều tối lúc pH thấp thì hiệu quả sẽ cao.
  • Không sử dụng dụng cụ và vật chứa bằng kim loại vì sản phẩm TCCA ăn mòn kim loại.
  • Đề phòng bị sặc khi bỏ thuốc vào nước vì khi tan trong nước TCCA thải ra khí Clo.
  • Nên mang đồ bảo hộ khi pha chế thuốc: áo mưa, bao tay, mắt kính, khẩu trang,…
    Chỉ sử dụng sau thuốc khi đã hoà tan hết vào trong nước để có kết quả tốt nhất.
    Không để gần hoặc sử dụng cùng lúc với các loại sản phẩm có tính kiềm vì làm tăng pH giảm tác dụng của TCCA
  1. Potassium Monopersulphate (Wirkon)

Potassium Monopersulphate hay còn gọi là Kali Monopersulfate là hợp chất oxy hóa hiệu quả cao và chất khử trùng nước trong ao nuôi tôm cá, cung cấp oxy trong nuôi trồng thủy sản, cải thiện nước trong nuôi, giảm khí độc trong ao. Ức chế các vi sinh vật gây bệnh, tiêu diệt các loại vi khuẩn, virus, nấm, khử trùng dụng cụ trong ao nuôi.
Và được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau: có thể oxy hóa hydro sunfua hoặc các chất có chứa lưu huỳnh trong nước tẩy rửa, và thuốc tẩy để loại bỏ vết bẩn ở nhiệt độ thấp. Được sử dụng trong vệ sinh răng miệng, hồ bơi và nước spa.

Công dụng:

  • Sát trùng nhanh, phổ cực rộng, phòng trị các bệnh do vi khuẩn, virus, nấm
  • Hiệu quả trong phòng và trị bệnh do virus: bệnh hoại tử gan, sưng gan, bệnh đỏ thân, đầu vàng… và các bệnh do vi khuẩn như: bệnh đốm đen, mòn râu cụt đuôi,…
  • Cải thiện nước

Ưu Điểm vượt trội

  • Hạn chế tối đa mầm bệnh vi khuẩn, virus trong nước
  • Không làm mất tảo và hệ phiêu sinh vật trong ao
  • Không tồn lưu trong nước, không ảnh hưởng đến sức khỏe tôm khi thả.

Cách dùng:

  • Hòa với nước sạch rồi tạt đều ao
  • Sát trùng dụng cụ trại giống: Dùng 100g sản phẩm hòa với 10 lít nước, quậy đều cho tan rồi ngâm dụng cụ 2-3 giờ
  • Trước khi thả: 1-1.5kg cho 1.000m3, an toàn sau 24 giờ xử lý. Thả tôm tốt nhất sau 3 ngày xử lý
  • Trong quá trình nuôi: 300-500g cho1.000m3

 

  1. Glutaraldehyd (Protectol)

Glutaraldehyde (C5H8O2) là chất hữu cơ không màu, có mùi cay nồng. Đây là một chất diệt khuẩn phổ rộng với khả năng giết chết tế bào rất nhanh. Khi tiếp xúc với vi sinh vật, nhóm carboxyl (C=O) sẽ tương tác với các thành phần của tế bào, làm ngưng trệ các quá trình tổng hợp và làm bất hoạt chúng. Dung dịch glutaraldehyde có thể khống chế sự phát triển của cả vi khuẩn gram âm và gram dương, tảo, nấm và rất nhạy với virus trong nước.

Glutaraldehyde (Protectol)
Glutaraldehyde (Protectol)

Hoạt chất này được xem là thân thiện với môi trường. Do nó có khả năng tự hủy sinh học nhanh tới 95% (đặc biệt là trong môi trường nước ngọt <5mg/l) nên không gây ra tích lũy sinh học trong cơ thể thủy sản. Hơn nữa nó cũng ít gây tình trạng hấp thu vào bùn đáy làm tích lũy đáy ao gây độc cho tôm cá. Tuy nhiên khi sử dụng với nồng độ cao, nó vẫn có thể gây độc với cá, giáp xác, tảo nuôi trong ao (nhất là ấu trùng). Do khả năng hòa tan trong nước ngọt tốt nên ít độc hơn khi sử dụng với cá nước ngọt.

Cách dùng:

– Phòng bệnh cho tôm: 1 lít dùng cho 5.000-8.000m3 nước, 2 tuần xử lý 1 lần.
– Trị tôm bị bệnh đen mang, đỏ thân, đóng rong, bệnh hoại tử cơ, phát sáng, virus, nấm, ký sinh trùng, tiêu diệt các loại tảo độc trong nước: 1 lít dùng cho 1.000-1.500m3 nước, 4 ngày xử lý một lần.
– Xử lý nước trong ao lắng, khử trùng ao trước khi thả nuôi: 1 lít cho 1.000m3 nước
– Khử trùng bể ương nuôi và dụng cụ: 2ml/m3 nước để ngâm bể và dụng cụ trong 8-10 giờ rồi xả sạch.

  1. Formol

Formol là một chất hữu cơ màu trắng, dạng lỏng, mùi hăng rất nặng, đã được sử dụng từ rất lâu trong việc khử trùng và sát khuẩn ao nuôi. Ngoài ra formol cũng được dùng như một loại “thần dược kiểm soát bách bệnh” để phòng và trị bệnh trong nhiều trường hợp như diệt tảo, khử trùng thiết bị, bể ương trại giống; xử lý nước, diệt khuẩn khi thả tôm, dập dịch bệnh đốm trắng, trị các bệnh do ngoại ký sinh trùng trên tôm cá nuôi, test sốc tôm giống trước khi xuất trại, dùng nhiều nhất trong các trại giống.

Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu và tính chất sử dụng cũng như dư lượng kiểm soát cần tuân thủ theo quy định mà người nuôi có thể cân đối liều lượng cho phù hợp. Formol có mùi rất hăng, khó chịu, ảnh hưởng đến hô hấp, tuần hoàn, còn có độc tính gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiếp xúc trực tiếp với nồng độ cao. Có thể gây dị ứng, làm khô biểu bì da, nghiêm trọng hơn là xâm nhập qua da gây tổn thương các tế bào máu. Nếu sử dụng trong ao đang nuôi thì giai đoạn này không nên cho tôm cá ăn và thay nước sau 24h. Formol cũng làm tiêu tốn một lượng oxy hòa tan đáng kể trong ao, vì thế cần kết hợp quạt nước khi xử lý. Không dùng chung với các hóa chất sát trùng khác cũng như với tôm cá đang bệnh hay yếu.

  1. Bronopol

Bronopol 99% có thành phần C3H6BrNO4 99%, có dạng hạt tinh thể đ ược dùng phổ biến trong trại cá giống, ương cũng như nuôi thương phẩm. Với ưu điểm diệt khuẩn, diệt nấm hiệu quả, thay thế cho Xanh Malachite,Trifluralin, Olan, Triolan, Không tồn dư, không gây ảnh hưởng lên các chất khác và thông số trong môi trường nước. Không có giới hạn về dư lượng, được EU cho phép sử dụng trên cá từ năm 2001.

Bronopol trị nấm ghẻ, ngoại ký sinh trên tôm

Công dụng:

– Ức chế sự phát triển của vi khuẩn.

– Đặc trị nấm (nấm đồng tiền, nấm thủy mi,…) cho hiệu quả cao.

– Đặc trị bệnh ghẻ, nấm nhớt, đen mình, thối đuôi trên cá do nấm hoặc ngoại ký sinh trùng gây ra. Trị đóng rong, đóng nhớt, đen mang trên tôm.

Cách dùng:

Hòa vào nước sạch rồi tạt đều trong ao (1 kg/20 lít nước)

– Phòng bệnh: 1 Kg/5.000 m3 nước, vào buổi sáng có nắng tốt. Định kỳ 7 – 10 ngày/lần. Sau 48h đánh vi sinh liều mạnh gấp 2–3 lần để cân bằng lại hệ vi khuẩn trong nước và phân hủy tốt xác nấm (Hoạt lực Bronopol kéo dài từ 48h – 72h)

– Trị bệnh: 1 Kg/2.500 m3 nước.

  1. Oxy già (H2O2)

Oxy già (H2O2) không những diệt khuẩn, diệt nấm, khống chế tảo, còn có thể cung cấp oxy cho ao nuôi. Ngoài ra, H2O2 còn được dùng để khử mùi hôi trong xử lý nước ao tôm bị ô nhiễm, giảm lượng N-NO2-, CN-, H2S trong nước, hạn chế sự ăn mòn do Chlorine, sulfide, thiosulfate. Giảm hàm lượng hữu cơ, từ đó làm giảm BOD và COD (lượng ôxy tiêu hao sinh học và hóa học) trong nước. H2O2 khi sử dụng sẽ không tồn lưu trong nước, vì chúng phân hủy thành H2O và O2

Oxy già - H2O2
Oxy già – H2O2

Liều dùng – Hướng dẫn sử dụng:

  • Cung cấp oxy cho ao nuôi:
  • Khi hòa tan H2O2 vào nước, H2O2 cung cấp oxy theo phản ứng tỏa nhiệt:
  • Phản ứng:2 H2O2→ 2 H2O + O2+ Nhiệt lượng
  • 1 ml H2O250% khi hòa tan vào nước sẽ sinh ra khoảng 0,33 mg O2
  • Diệt tảo: Dùng 1- 2 lít oxy già 50% cho 1.000 m3nước tương đương 0,7 – 1,14 ppm cung cấp 0,65 ppm oxy hòa tan. Tuy nhiên, H2O2 có khả năng diệt tảo nhưng không có khả năng diệt các nhóm rong trong ao nuôi.

Liều khuyến cáo để diệt mầm bệnh: là >= 15 ppm tương đương 21,5 lít oxy già 50% cho 1.000m3nước. Tuy nhiên, với nồng độ 1 – 1,4 mg/lít trong ống nghiệm đã có thể diệt được mầm bệnh.

Loại bỏ Amoni (NH3): Liều 64 ppm làm giảm đáng kể hiệu quả loại bỏ amoni (0,13 so với 0,6 g N/m2/ngày) và quá trình nitrate hóa được phục hồi một phần trong vòng 7 ngày. Tương đương với 91,4 lít nước oxy già sử dụng cho 1.000 m3 nước.

  1. Chloramin B

Chloramin B hoạt động có tác dụng khử trùng, diệt vi khuẩn trong nước, ở một nồng độ nhất định. Vì chỉ Clo dương có tác dụng diệt khuẩn nên thông thường người ta quy một hợp chất có chứa Clo dùng để tiệt trùng ra lượng Clo dương hay còn gọi là Clo hoạt động. Hóa chất này khi dùng với mục đích khử khuẩn nguồn nước uống, hồ bơi với nồng độ thấp, không gây độc và có mùi đặc trưng của Clo.

Chlorine B Tiệp Khắc - SEC
Chloramin B kết hợp với nước sẽ sinh ra clo có khả năng diệt khuẩn cao. Loại hóa chất công nghiệp này thường được thả xuống đầu nguồn nước trước khi nước được mang vào xử lý tại các công ty cung cấp nước khiến nước từ nhà máy có thể sạch hơn nên được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như: y tế, vệ sinh công cộng, công nghiệp chế biến sữa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản,hồ bơi, vệ sinh thú y, các tổ chức nhân đạo…

Trên đây là tổng hợp 11 loại hoá chất diệt khuẩn được sử dụng trong Nuôi trồng Thuỷ sản. Tuỳ vào thời điểm và mục đích sử dụng, Quý bà con có thể lựa chọn một hoặc nhiều hoá chất diệt khuẩn để sử dụng trong vụ nuôi của mình. Hy vọng bài viết của Vinasharp có thể giúp bà con có thêm lựa chọn phù hợp. Kính chúc quý bà con luôn có những vụ mùa thành công!